Chương trình NtHack vẫn bị phần đông cộng đồng DOTA 2 thế giới coi là một bản hack mặc dù những thông tin mà nó hiển thị vẫn có thể được người chơi nhận biết bằng cách này hay cách khác trong trò chơi?
Thông tin về việc DOTA 2 bị “hack” gần đây đã làm dấy lên rất nhiều tranh cãi trong cộng đồng về việc tựa game này có thực sự bị hack hay phần mềm NtHack này chỉ nên coi là một chương trình hỗ trợ khi chơi DOTA 2?
Đầu tiên, xin khẳng định rằng DOTA 2 không bị hack map như một số bạn đọc lầm tưởng khi lướt qua bài viết mới đây (mặc dù bản trước đây của phần mềm này hiện được cả các khu vực không có fog of war, qua đó biết được cả vị trí của hero trên bản đồ tuy nhiên tính năng này hiện tại không sử dụng được nữa). Tuy nhiên, vì sao chương trình này vẫn bị coi là một bản hack mặc dù những thông tin mà nó hiển thị vẫn có thể được người chơi nhận biết bằng cách này hay cách khác trong trò chơi?
Các tính năng của chương trình NtHack được một bộ phận game thủ truyền tay nhau gần đây bao gồm:
1. Hiển thị máu và mana của đối phương
2. Hiện items mới mua của đối phương
3. Hiện tầm đánh và tầm nhìn của trụ cũng như hero.
4. Tự động check rune
5. Phân biệt hero và illusions
6. Hỗ trợ skill của Invoker
7. Mở khóa chế độ zoom-out của camera cho phép có góc nhìn rộng hơn bình thường.
Dấu sentry chỉ hiện ở các illusion.
Nhiều người chơi cho rằng đây chỉ là một tool hỗ trợ bởi các thông tin lấy được qua chương trình này chỉ được update chính xác khi hero đối phương đứng trong tầm nhìn của team bạn nhưng trên thực tế nó được coi là một chương trình hack. Đó là vì các tính năng ở trên không thể có được qua cách config thông thường từ console của DOTA 2 bởi phần lớn dữ liệu này đã bị DOTA 2 “ẩn” đi mặc dù vẫn được gửi với máy của người chơi mỗi khi hero đối phương xuất hiện trên bản đồ. Tuy nhiên tác giả của phần mềm nói trên đã tìm được cách chèn những dòng lệnh riêng của mình để lấy những thông tin (vốn không được phép truy cập) từ trong các gói dữ liệu gửi tới máy người chơi. Nhờ đó, chương trình này có thể hiển thị cho người chơi gần như tất cả các thông tin có thể lấy được từ map của DOTA 2.
Trên thực tế, cho dù bạn nhanh tay đến đâu thì việc check items cũng như mana của đối phương khi hắn vừa xuất hiện trên bản đồ, hay phát hiện illusions ngay khi đối phương vừa phân bóng là việc bất khả thi. Sử dụng chương trình này sẽ tạo ra lợi thế rất lớn trong trận đấu, đặc biệt là trong những tình huống cần tới sự bất ngờ, điều vốn là một phần sự hấp dẫn của DotA. Chưa hết, người viết chương trình này cho biết qua topic của anh ta rằng những bản mới nhất của nó có thể cảnh báo cả vị trí Kunkka cast Torrent, Invoker đặt Sunstrike cũng như stun của Lina và Leshrac ngay từ khi đối thủ vừa mới nhấn chuột(!?)
NtHack vẫn được tác giả thường xuyên cập nhật.
Mặt khác, không phải ngẫu nhiên mà các lệnh console hiển thị khoảng cách dota_range_display x bị vô hiệu hóa khi chơi trong chế độ Match Making. Cũng tương tự, mặc dù rất nhiều game thủ đòi hỏi việc hiển thị thanh mana của hero đối phương, nhưng tính năng này vẫn không được chấp nhận trong DOTA 2 và hiện tại chúng ta vẫn phải click vào để check mana, items đối thủ. Tất cả những điều này được DOTA 2 giữ lai từ DotA là nhằm tạo ra những điểm nhấn để phân biệt trình độ người chơi. Hơn nữa nó khiến cho các game thủ phải chơi DOTA 2 cả bằng cảm giác, kinh nghiệm của bản thân chứ không phải chỉ bằng những con số hay các đường tròn, đường thẳng.
Bạn thích DOTA 2 như thế này hay hiện lên thêm một đống vòng tròn và mũi tên?
Rất may là nhờ vào những cảnh báo của cộng đồng, Valve đã nhanh chóng ra tay với lệnh ban kéo dài tới tận năm 2038 (theo thông tin từ một thành viên của diễn đàn reddit đã sử dụng phần mềm gian lận nói trên và bị VAC phát hiện). Về thời hạn 19 tháng Một năm 2038, đây chính là thời gian lớn nhất mà một hệ thống đếm 32bit dựa trên nền UNIX (mà hầu hết các máy tính hiện nay đang sử dụng) có thể đếm được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét